Emotional Branding – Thương hiệu cảm xúc là một khía cạnh vô cùng mới lạ đối với các doanh nghiệp. Hiểu một cách đơn giản, Emotional Branding là việc tối ưu hóa các thành tố liên quan tới thương hiệu nhằm khơi gợi cảm xúc từ người tiêu dùng, từ đó, biến họ trở thành những khách hàng trung thành nhất đối với các doanh nghiệp.
Bài viết dưới đây của Movad sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể và chi tiết nhất về khái niệm còn tương đối lạ lẫm này.
1. Emotional Branding là gì?
Emotional Branding (hay còn được gọi là thương hiệu cảm xúc) là một quá trình xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thương hiệu khơi gợi cảm xúc trong khách hàng thông qua logo, UI design, trải nghiệm khách hàng khi sử dụng dịch vụ,…
Mục tiêu của những doanh nghiệp xây dựng thương hiệu theo định hướng phát triển cảm xúc là làm sao để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ trở thành những khách hàng trung thành nhất.
Các Emotional Branding có thể đánh vào những cảm xúc chân thật của con người như: Tình yêu, quyền lực, sự an toàn, sự khẳng định cái tôi,… để thực hiện thực hiện những điều chỉnh có thể “đánh thức” hành vi mua hàng từ người tiêu dùng.
Sự khác biệt của Emotional Branding và Emotional Advertising
Các chiến lược quảng cáo cảm xúc (Emotional Advertising) là một yếu tố góp phần xây dựng yếu tố cảm xúc trong các thương hiệu (Emotional Branding).
Nếu không cẩn thận, việc sử dụng quảng cáo cảm xúc có thể khiến người xem hiểu sai thông điệp. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật kỹ đối tượng khách hàng trọng tâm mình cần hướng tới và có sự thống nhất với hình ảnh, giá trị cốt lõi của thương hiệu.
Cảm xúc và thang nhu cầu của Maslow
Thang nhu cầu Maslow xếp cảm xúc con người thành 5 mức. Có những người chỉ mong muốn mình được ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc; có những người khác muốn mình thuộc về một hội nhóm nào đó; nhưng cũng có những người lại mong mọi người công nhận thành tựu của mình;…
Vậy các doanh nghiệp có thể áp dụng thanh 5 bậc nhu cầu của Maslow như thế nào? Bạn có thể ứng dụng thang nhu cầu vào thương hiệu Apple qua ví dụ minh họa dưới đây:
Rõ ràng, bạn hoàn toàn có thể định hướng sản phẩm, dịch vụ của mình hướng tới một nhu cầu cụ thể nào đó của khách hàng thông qua học thuyết của Maslow.
2. Cách thức sử dụng Emotional Branding
Chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng Emotional Branding để khơi gợi những cảm xúc mãnh liệt nhất của con người.
Nhưng cách ứng dụng phương pháp đó như thế nào sao cho hiệu quả với các doanh nghiệp? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua phần tiếp theo của bài viết:
Sự tin tưởng
Bạn đã từng nghe những mẩu quảng cáo mà doanh nghiệp A khẳng định chắc nịch: “Sản phẩm của chúng tôi được chuyên gia từ Bộ Y tế (hoặc bất kỳ cơ quan chuyên môn có uy tín nào khác” khuyên dùng”. Những lời khẳng định này không phải tự nhiên mà các doanh nghiệp sử dụng đâu.
Nó đánh vào một khía cạnh cảm xúc mà bất kỳ chúng ta ai cũng có: Sự hoài nghi/sự tin tưởng. Các thương hiệu cũng đã và đang lựa chọn những người nổi tiếng làm đại sứ, như một phương thức để tăng sự tin tưởng trong mắt khách hàng mục tiêu.
Rõ ràng các chuyên gia của Bộ Y tế hoàn toàn có đủ các khả năng để thuyết phục chúng ta sử dụng sản phẩm A thay vì sản phẩm B. Doanh nghiệp của bạn hoàn toàn có thể áp dụng phương thức này vào các chiến dịch, các banner quảng cáo để thu hút sự chú ý từ khách hàng.
Trước khi mong muốn khách hàng “yêu mình”, bạn cần phải khuyến họ “tin tưởng mình” trước đã!
> Brand Trust – Xây dựng thương hiệu từ niềm tin của khách hàng
Sự cảm thông
Sự cảm thông thường được các tổ chức phi lợi nhuận sử dụng để thu hút sự chú ý từ công chúng. Bạn chắc cũng từng nghe tới những chiến dịch mà các tổ chức phi chính phủ chia sẻ những hình ảnh đau lòng từ những khu vực chiến sự, những đứa bé không cha mẹ, những gia đình không nhà cửa,…
Mục đích chính của các tổ chức này là mong muốn bạn ngay lập tức quyên góp tiền tới họ để những hình ảnh trên không còn nữa.
Ngay cả với những doanh nghiệp như bạn và tôi, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng sự cảm thông của khách hàng để kích thích họ mua sản phẩm, dịch vụ của mình. Đó cũng chính là cách mà các thương hiệu bảo hiểm, ngân hàng hay sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo.
> Xây dựng thương hiệu trên Facebook
Tính lý trí
“Sản phẩm A có thể diệt sạch 99,9% vi khuẩn gây bệnh”. Câu nói nghe cũng không quá lạ lẫm đúng không! Rất nhiều những tên tuổi thương hiệu lớn sử dụng các số liệu khoa học để thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm của họ giải quyết triệt để vấn đề họ đang gặp phải.
Tất nhiên, doanh nghiệp của bạn hoàn toàn có thể áp dụng phương thức này trong các chiến dịch quảng cáo của mình.
3. Khía cạnh tâm lý học trong Emotional Branding
Nghiên cứu sâu hơn về Emotional Branding, người ta quan tâm tới khía cạnh tâm lý học nhằm lý giải những hành vi có thể tác động tới cảm xúc của con người.
Đó là lý do vì sao rất nhiều doanh nghiệp và tổ chức học thuật dành nhiều thời gian để nghiên cứu những vấn đề liên quan tới: Bản đồ nhiệt đo lường hành vi của khách truy cập, khía cạnh thiết kế tác động tới trải nghiệm người dùng,…
Thông qua nhiều các bài nghiên cứu, chúng ta có thể khẳng định:
- 90% quyết định mua hàng của người tiêu dùng được thực hiện bởi những thôi thúc trong tiềm thức của họ.
- Con người xử lý những dữ kiện liên quan tới hình ảnh nhanh gấp 60.000 lần so với các dữ liệu được diễn tả bằng text.
- 50% những trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu là dựa trên các khía cạnh liên quan tới cảm xúc.
> Customer Experience – Quản trị trải nghiệm của khách hàng
4. Lợi ích của Emotional Branding
Những lợi ích mà doanh nghiệp của bạn có thể thu nhận được từ Emotional Branding là:
- Sự khác biệt với những đối thủ cạnh tranh. ( > Khám phá lợi thế cạnh tranh khác biệt của thương hiệu)
- Kết nối thương hiệu với người tiêu dùng, đem đến cho họ cảm giác tích cực về thương hiệu.
- Giúp doanh nghiệp cải thiện chỉ số brand loyalty (chỉ số đo lường sự trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp), thậm chí, nâng cao customer lifetime value (những giá trị trọn đời mà khách hàng có thể đem lại cho doanh nghiệp).
- Giúp doanh nghiệp xác định đúng đối tượng hướng tới trong các chiến dịch quảng cáo. Từ đó, nâng cao chỉ số ROI của doanh nghiệp.
5. Một số ví dụ về Emotional Branding
Để giúp bạn dễ hình dung hơn về Emotional Branding, chúng tôi xin giới thiệu một vài case study điển hình từ các doanh nghiệp trên thế giới.
Always: Chiến dịch #LikeAGirl
Always là thương hiệu băng vệ sinh với đối tượng là phụ nữ trẻ tại Hoa Kỳ của P&G. Chiến dịch “#LikeAGirl” với mục đích nâng cao nhận thức và khích lệ tinh thần của những người phụ nữ trẻ đã tạo tiếng vang cho nhãn hiệu này.
Always đã dành cho mình vô số những giải thưởng cao quý về quảng cáo, thậm chí, là một giải Emmy cho chiến dịch quảng cáo.
Patagonia: Chiến dịch Public Lands
Thông qua chiến dịch “Public Lands” của hãng thời trang Patagonia như một lời khẳng định về nghĩa vụ và trách nhiệm của hãng đối với những vấn đề liên quan tới môi trường.
Sau chiến dịch, chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng (là những người yêu và quan tâm tới môi trường) sẽ sử dụng những sản phẩm do Patagonia cung cấp.
Petcube: Chiến dịch Pet Parents
Pet Parents là một chiến dịch đánh vào cảm xúc rất thông minh của thương hiệu Petcube (một thiết bị điện tử cho phép người chủ quan sát, tương tác và cho thú cưng mình ăn).
Thương hiệu ví người chủ thú cưng không khác gì những “ông bố, bà mẹ của những chú chó, chú mèo” khi sử dụng Petcube.
Calm: Chiến dịch Meditation Made Easy
Bằng cách sử dụng tông màu nhẹ và font chữ dễ nhìn trong các chiến dịch quảng cáo, banner trên website, Calm cho người dùng thấy rằng: Họ chính là giải pháp để người dùng tìm đến mỗi khi họ cảm thấy căng thẳng hay mệt mỏi mỗi ngày.
Google: Chiến dịch Year In Search
Có lẽ chúng ta không lạ lẫm gì với chiến dịch “Year In Search” của Google. Google đã tổng hợp những sự kiện nổi bật gắn liền với các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm.
Cùng với đó, những hình ảnh cảm động hiện lên trong TVC như thể hiện rằng: Google góp phần kết nối chúng ta lại với nhau và biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
6. Những điều bạn cần lưu ý khi áp dụng Emotional Branding
Dưới đây là một vài điều bạn cần lưu ý khi áp dụng Emotional Branding với thương hiệu của mình:
- Sử dụng hình ảnh trực quan để khơi gợi cảm xúc từ khách hàng.
- Với mỗi người khách hàng, bạn lại sử dụng phương thức tương tác khác nhau. Đây là cách bạn khiến họ tin: Những cảm xúc bạn thể hiện là cảm xúc thật.
- Thường xuyên tương tác với khách hàng (thông qua việc đề nghị họ share nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, trả lời các comment của họ trên Facebook, Instagram,…).
- Khiến khách hàng cảm thấy thoải mái và an toàn khi tương tác với bạn.
- Nhanh chóng hồi đáp và giải quyết các vấn đề của khách hàng đối với doanh nghiệp.
Hy vọng những thông tin trên đây đã đem lại cho bạn cái nhìn cụ thể hơn về Emotional Branding – thương hiệu cảm xúc để ứng dụng vào thực hiện trong chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp mình.