4 NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THUỘC TÍNH THƯƠNG HIỆU TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỊNH VỊ – MarArting

]Bối cảnh thị trường trong kinh doanh ngày nay là các cuộc chiến vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt là thương hiệu xuất hiện ngày càng nhiều, sản phẩm, dịch vụ cũng vì vậy mà trở nên đa dạng hơn. Người tiêu dùng càng có nhiều sự lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu. Chính điều đó đã đặt ra các thách thức làm thế nào để các thương hiệu có thể khiến thị trường chấp nhận, “sống” đủ lâu và cuối cùng đi đến sự phát triển bền vững.

Không phải tự nhiên mà một thương hiệu vô danh nào đó có thể lưu lại trong tâm trí của người tiêu dùng. Đó là cả một hành trình dài mà các chiến lược định vị thương hiệu được xây dựng với các quy trình bài bản, đi kèm theo những thuộc tính cực kỳ tinh vi.

Thuộc tính của thương hiệu là một loạt các tính năng nổi bật về khía cạnh vật chất và tính cách của thương hiệu khi xây dựng và thiết kế nhận diện thương hiệu. Các thuộc tính được phát triển thông qua hình ảnh, hoạt động và các giả định. Thuộc tính thương hiệu tạo nên bộ nhận diện thương hiệu. Một số thuộc tính cần có của một thương hiệu là: Sự phù hợp, nhất quán, bền vững, nhận định đúng, tín nhiệm, cảm hứng, độc đáo và hấp dẫn.

Có 4 nguyên tắc cực kỳ quan trọng để đảm bảo các thuộc tính thương hiệu trong chiến lược định vị phát huy hiệu quả. Để chúng tôi cung cấp cho bạn một số kiến thức cơ bản nhé!

Nguyên tắc 1: Kết nối nhu cầu của khách hàng

4 NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THUỘC TÍNH THƯƠNG HIỆU TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỊNH VỊ - MarArting

Để có thể lựa chọn được một mặt hàng thỏa mãn nhu cầu của mình, khách hàng sẽ liên tục tìm kiếm, kết nối các yêu cầu của bản thân với vô số các thương hiệu để tạo nên được một liên kết phù hợp. Trong chiến lược định vị thương hiệu, là một marketer, bạn và doanh nghiệp của mình cần phải xác định, hiểu rõ nhu cầu và đưa ra được kết nối giữa các thuộc tính thương hiệu đảm bảo sự hợp lý với nhu cầu của người tiêu dùng.

Nghe có vẻ khá khó hiểu, chúng tôi xin đưa ra một ví dụ để bạn có thể dễ hiểu về các thuộc tính thương hiệu. Như “bia sang dành cho tiệc tùng”, “bia chill với bạn thân”, “bia ngon dành cho chiến hữu”,… Những thuộc tính này, chung quy lại đều nhằm mục đích dễ dàng kết nối với nhu cầu người tiêu dùng tùy thuộc vào hoàn cảnh, tình huống.

Nguyên tắc 2: Khác biệt với đối thủ

Sẽ là một thương hiệu “mạnh” khi bạn tạo được sự khác biệt, nét riêng thể hiện trong chính sản phẩm, dịch vụ của mình. Để làm được điều này, ngoài việc update sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, bạn nên đầu tư nhiều vào khảo sát thị trường. Hãy bắt tay vào nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, xem xét các thương hiệu hiện diện đang có trên thị trường.

Có một cách rất hay đó chính là đặt ra câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời một cách vẹn toàn nhất. Đối thủ của bạn, họ xây dựng thuộc tính chủ đạo gì? Thỏa mãn nhu cầu nào của khách hàng? Bạn hãy nhìn vào các thương hiệu lớn để có thể học hỏi từ họ. Điều cốt lõi là người làm marketing hãy phát huy tư duy một cách sáng tạo để có thể thiết kế ra các thuộc tính mới, đem lại sự khác biệt trong thương hiệu của chính doanh nghiệp bạn.

Nguyên tắc 3: Bền vững với xu hướng, lối sống của tập khách hàng mục tiêu

Có lẽ nhiều marketer nhận định rằng, bắt trend là một cách tiếp cận tốt đối với người tiêu dùng. Điều này quả thật không sai, bởi đây là cách phủ sóng rất nhanh đến khách hàng. Tuy nhiên, để có thể xây dựng thuộc tính thương hiệu cần một quá trình lâu dài hơn thế rất nhiều. Bạn có chắc chắn rằng các trào lưu hiện thời sẽ không bao giờ bị thay thế? Một khi trend trở nên “mất giá”, bạn buộc lòng phải tái định vị thương hiệu bằng cách thay đổi thuộc tính thương hiệu “liền tù tì” để phù hợp hơn với xu hướng khách hàng.

Để phát triển thương hiệu bền vững, bạn hãy xây dựng những thuộc tính có chiến lược, phù hợp với lối sống của các tập khách hàng mục tiêu. Doanh nghiệp bạn khi hướng tới các mục đích dài hạn thì nên có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ càng.

4 NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THUỘC TÍNH THƯƠNG HIỆU TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỊNH VỊ - MarArting

Ví dụ điển hình về thương hiệu “chị đại” Biti’s với tập khách hàng mục tiêu là những người quan tâm nhiều về chất lượng sản phẩm, khá truyền thống và không quá chú trọng về kiểu dáng hay cập nhập theo xu hướng thời trang. Vì vậy mà, thuộc tính “bền”, “chất lượng” là thuộc tính bền vững, phù hợp với tập khách hàng mục tiêu này.

Trong khi đó, thương hiệu giày Juno nhắm vào nhóm khách hàng mục tiêu là giới trẻ, có phong cách thời trang và thích cập nhật xu hướng. Đối với tệp khách hàng này thì nhu cầu mua đồ của họ thường xuyên thay đổi với nhiều mẫu mã, các loại khác nhau để có thể phối hợp với nhau. Vì vậy mà, thuộc tính quan trọng và bền vững mà Juno xây dựng cho nhóm khách hàng mục tiêu này là “cập nhật xu hướng thời trang”.

Nguyên tắc 4: Khó bắt chước

Là một nguyên tắc khá quan trọng, tuy nhiên nó lại không phải là thuộc tính bắt buộc phải có. Bởi vì đại đa số, không có gì là không thể bắt chước được. Thông thường, yếu tố khó bắt chước này sẽ được các thương hiệu ở phân khúc cao cấp quan tâm đến. Vì để có thể xây dựng được một thuộc tính độc đáo và mang nét riêng biệt trên thị trường thường cần đến nguồn lực và chi phí đầu tư cao.

Vậy là chúng tôi đã chỉ ra 4 nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng thuộc tính mà bạn cần lưu ý khi lập chiến lược định vị. Hãy khéo léo và sáng tạo trong việc triển khai các chiến lược, bởi mỗi nguyên tắc sẽ tạo nên những giá trị riêng biệt cho thương hiệu, gia tăng tính cạnh tranh với đối thủ trên thị trường và kết nối những “điểm chạm” vào trong tâm trí khách hàng.

Mi My – MarArting.com

Viết một bình luận