Không thể phủ nhận được vai trò của quảng cáo ngoài trời trong việc giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm đến gần hơn với thị trường, giúp hàng hóa lưu thông, nền kinh tế phát triển và tạo công ăn việc làm cho những người hoạt động trong ngành nghề (in ấn, cho thuê vị trí, thiết kế,…). Đôi khi những quảng cáo còn có thể tạo nên sức sống và sự nhộn nhịp cho một thành phố.
Tuy nhiên quảng cáo ngoài trời cũng có một số ảnh hưởng xấu đến xã hội và nó đòi hỏi ở đó sự trách nhiệm đối với những người hoạt động trong ngành, đặc biệt là các chủ sở hữu phương tiện quảng cáo và cơ quan chức năng.
1. Ô nhiễm ánh sáng
Với diện tích rất lớn và ban đêm là thời gian quảng cáo hiệu quả, đèn chiếu ngoài là một phần không thể thiếu của bảng quảng cáo tấm lớn. Với công suất chiếu sáng cho có thể lên đến 100W, những bóng đèn này có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và đời sống sinh hoạt của một số hộ dân xung quanh bảng quảng cáo.
Ngoài ra gần đây, màn hình quảng cáo điện tử (DOOH) với việc phát sáng toàn bộ diện tích bề mặt chiếu ra, nếu cường độ sáng mạnh có thể gây lóa mắt cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Một bài viết phản ánh về ánh sáng quá cao của màn hình quảng cáo điện tử ở Philippines. Nguồn: The Daily Star.
Ở Việt Nam thời gian bật đèn quảng cáo được giới hạn đến 10 giờ đêm, tuy nhiên trong một số trường hợp timer (bộ phận quản lý thời gian chiếu sáng) gặp sự cố thì cũng có thể phát sinh trường hợp đèn bị bật liên tục đến tận sáng ngày hôm sau. Do đó việc kiểm tra định kì timer cũng là một giải pháp giúp hạn chế tình trạng này, cũng như tiết kiệm điện năng. Đối với màn hình quảng cáo LED thì việc lựa chọn vị trí đặt và điều chỉnh độ chiếu sáng cũng là một giải pháp cho vấn đề này.
2. Ô nhiễm rác thải
Hầu hết các hình thức quảng cáo ngoài trời đều cần dùng vật liệu bạt, decal,.. để thi công bề mặt. Và đây cũng là nguồn phát sinh rác thải không hề nhỏ. Với số lượng bảng quảng cáo và tần suất thay bạt càng cao thì số lượng rác thải phát sinh ngày càng cao.
Một ví dụ về hoàn thành tốt trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xử lý rác thải từ vật liệu quảng cáo đó là Ford Tây Ban Nha. Sau khi hoàn thành chiến dịch bảng quảng cáo lớn nhất thế giới, vật liệu làm bảng đã được Ford quyên tặng cho một trung tâm dành cho người khuyết tật. Sau đó vật liệu đã được tài sử dụng để trang trí.
Bảng quảng cáo ngoài trời rộng 5,265 m2 ở Tây Ban Nha quảng cáo cho xe Ford. Nguồn: abc.es.
3. An toàn và trật tự giao thông
Phương tiện giao thông đang được sử dụng nhiều trong quảng cáo ngoài trời nhờ khả năng di chuyển vươn xa tới nhiều khu vực. Đối với xe buýt hoặc Taxi việc di chuyển là bắt buộc nên việc dán quảng cáo lên không mang lại nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên đối với một số hình thức quảng cáo như bus full-wrapping chạy diễu hành không có hành khách bên trong, đặc biệt vào giờ cao điểm thì có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình hình giao thông, kẹt xe.
Xe bus full-wrapping chạy trên đường. Nguồn: OOH Lover.
Giải pháp cho vấn đề này là việc giới hạn những tuyến đường, khung giờ và ngày được phép vận hành hình thức quảng cáo này.
4. Hỏa hoạn và tai nạn sập đổ
Do vật liệu sử dụng là dễ cháy và có hệ thống điện bên trong nên cũng đã xảy ra không ít trường hợp hỏa hoạn liên quan đến bảng quảng cáo tấm lớn và biển hiệu cửa hàng. Tương tự đối với các trường hợp sập đổ, do bảng quảng cáo trải qua nhiều năm hoạt động cộng với tác động của thời tiết dẫn đến tai nạn.
Dĩ nhiên không có nhà quảng cáo/ công ty quảng cáo nào mong muốn xảy ra những trường hợp không may như vậy đối với mình. Tuy nhiên việc bảo trì định kì và tuân theo những quy chuẩn xây dựng, đặc biệt là những bảng quảng cáo kích thước lớn là cần thiết để đảm bảo sự an toàn về tính mạng, tài sản cũng như thương hiệu.
Bảng quảng cáo bị sập ở Sài Gòn. Nguồn: Vnexpress.
Kết luận
Việc cân bằng lợi ích kinh tế và trách nhiệm đối với xã hội là một trong những yếu tố có thể giúp ngành quảng cáo ngoài trời phát triển bền vững và xây dựng hình ảnh đẹp hơn trong cộng đồng xã hội.
P/s: Rất mong sự chia sẻ của bạn đọc, đặc biệt là tới đối tượng những người đang hoạt động trong ngành quảng cáo ngoài trời để có thể góp một phần vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của toàn thể ngành.
Trân trọng cám ơn,
Đặng Vinh Quang